Chợ Vĩnh Điện - Hè 2013
Hôm tuần rồi về quê dịp hè, bà xã rủ đi chợ Vĩnh Điện, sau gần 20 năm mới vô chợ mà là chợ mới nữa nên đi cho biết. Chợ mới bây giờ sạch đẹp, rộng lớn lắm, lượng hàng hóa cũng phong phú và nhiều vô kể. Tuy nhiên khách lại không đông lắm, chắc tại mình đi trưa quá và nhằm vào ngày mùng một âm lịch. Các chị, các cô, các dì bán hàng bây giờ chào mời khách nhiều hơn ngày xưa (không thấy hiền như xưa nữa!). Không có nhiều người nhận ra mình trừ người nhà của mấy người bạn thân thời phổ thông, mình đã thay đổi (già đi) quá nhiều, ôi 20 năm rồi còn gì!
Hàng hóa bây giờ cũng khác, ngoài các gian hàng thủ công, vật dụng mây tre ế ẩm không nhiều người còn sử dụng, các tiệm tạp hóa bây giờ bán toàn đồ hộp, đóng gói sẵn của các thương hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao"; các gian hàng rau, củ, quả không còn gói rau bằng lá chuối nữa mà thay bằng bao ni-lon hết rồi. Gian hàng cá vẫn tươi nhưng không bằng ngày xưa, các loại cá thường dùng để nấu canh ngót, canh chua (cá nấu với cà chua, thơm) như cá bã trầu, cá nhám không thấy nữa - đồ nấu canh chua cũng không thấy bán. Những loại cá này bây giờ là đặc sản của các quán nhậu rồi.
Nhớ lại hơn 20 năm trước mà thèm món canh chua nấu cá nhám thiệt! Đồ nấu canh chua gồm có khế, măng non, giá, chuối chát cắt lát ngâm cho hơi chua rồi nấu canh với cá nhám cắt khúc ngon thiệt, cá tươi xanh mà rẻ lắm . Trong bữa cơm, không cần thiết phải có thêm món mặn, miếng cá nhám chấm với nước mắm nguyên chất, kèm chút ớt chìa vôi thơm nhưng không quá cay nữa là "tuyệt cú mèo" rồi. Nước mắm làm từ cá cơm tươi mà hầu như nhà nào cũng có một hủ trong nhà, mình nhớ ngày xưa đến mùa cá mẹ có chạy xe đạp xuống biển Cửa Đại, Hội An mua cá cơm tươi từ biển vào làm mắm để dành ăn cả năm. Ôi, lại thèm mắm cái rồi, vào mùa lạnh ăn cơm nguội (trời lạnh quá cơm không còn nóng) với mắm cái - tuyệt vời.
Luôn tiện nhắc tới mắm cá cơm, vợ chồng mình có tìm mua Mắm Dì Cẩn - Đà Nẵng đem vào TP.HCM nhưng không có, các chủ hàng đều trả lời là mua hiệu dì Cẩn về không bán được vì giá cao quá, cao gấp đôi so với các loại mắm khác, giải thích này nghe có vẻ hợp lý. Các chị còn rất nhiệt tình chỉ thêm, muốn mua đúng loại mắm này phải ra Chợ Hàn - Đà Nẵng vì trên thị trường có rất nhiều mắm giả, đây cũng là lý do mà mắm mình thường mua ở chợ Bà Hoa - Bảy Hiền thấy không ngon mà chất lượng và hương vị lại khác nhau nữa. Cuối cùng vợ chồng mình đã mua mắm cá giò Chị Trà dùng làm nước chấm ăn món thịt heo cuốn bánh tráng cũng ngon lắm lắm!
Gian hàng ăn uống không còn nữa mà chỉ thấy quầy hàng nhỏ bên ngoài khuôn viên chợ, chắc chỉ phục vụ cho các chị em buôn bán trong chợ, chỉ cần gọi đồ ăn bằng điện thoại di động rồi đóng hộp giao hàng tận quầy. Quầy nước giải khát, chè đậu có vẻ như đông khách vì cái nắng của buổi trưa hè miền trung. Cái văn hóa vào chợ ăn bây giờ không còn nữa khi mà hàng quán mọc khắp nơi trên đường phố, chỉ cần tạt ngang là có nhiều món để lựa chọn - cũng vì sự tiện lợi mà một nồi nước lèo có thể vừa bán bún, phở và cả Mì Quảng nữa chứ, “all-in-one”, ôi ăn chỉ để no thôi sao?
Mình nhớ có một lần không hiểu sao ba mẹ lại cho mình tiền ăn vặt. Thời đó, ngoài đường không có nhiều quán ăn như bây giờ, quán ăn chỉ bán vào buổi tối quanh bến xe cũ là khu Nhà Văn hóa Huyện bây giờ; Phở Thiên, trứng vịt lộn là những món xa xỉ mà chỉ khi nào bị bệnh mới được ba mẹ mua về cho ăn. Hai anh em vào chợ tìm cái gì đó ăn, mình cõng thằng út trên lưng đi bộ chừng một cây số trên đoạn đường đá gồ ghề.
Chợ Vĩnh Điện cũ giữa những năm 80, khu hàng ăn còn nằm bên góc cây me lớn hướng xuống bờ sông. Mình tìm quán Bún Chả Cá của bà nội một người bạn gần nhà, người bạn này có tên cúng cơm do thừa hưởng sự nổi tiếng của bà – Long “chả”, không biết ai đặt cho cái tên này? Chả cá được làm từ cá đối biển tươi nguyên chất không pha bột hay thịt, anh em bạn Long “chả” phải thức dậy từ sáng sớm để giã nhuyễn bằng tay. Tô bún chả cá nước trong veo với một chút bột màu đặc trưng của bún miền trung, chả cá được cắt thành nhiều lát nhỏ ăn vào còn thơm nguyên vị cá tươi nhưng không có mùi tanh. Mình vừa ăn vừa cho thằng út ăn cùng, ăn hết tô bún vẫn còn thèm nhưng sợ không đủ tiền ăn thêm.
Những hình ảnh, hương vị của chợ Vĩnh Điện cũ (đã có gần 300 năm tuổi) không còn nhiều, mình cũng không có nhiều thời gian đi hết chợ mới nhưng cũng thấy được quy mô của một ngôi chợ hiện đại, công trình không quá lớn so với các chợ, các trung tâm thương mại của các thành phố lớn nhưng xứng tầm với sự phát triển của thị trấn Vĩnh Điện và huyện Điện Bàn, là niềm vui và niềm tự hào của người dân nơi đây.
Hi vọng ngôi chợ mới sẽ mang lại sự giàu mạnh cho các tiểu thương trong chợ cùng sự phát triển kinh tế cho quê nhà, sẽ sớm hình thành nên khu đô thị xung quanh chợ theo như mong ước của người dân và quy hoạch hạ tầng của lãnh đạo địa phương.
Chiêu Trung, Hè 2013
Từ khóa tìm kiếm: cam nhan, cho vinh dien, vinhdien